Hỗ trợ trực tuyến
Hotline
+84(0).909103607 +84(0).2723826444
Phòng kinh doanh
Liên kết website
Lượt truy cập
  • Đang truy cập: 2
  • Ngày hôm nay: 36
  • Ngày hôm qua: 44
  • Tuần hiện tại: 189
  • Tháng hiện tại: 1311
  • Tổng lượt truy cập: 246797
Phải định nghĩa lại đất lúa

"Giữ 3,8 triệu ha đất lúa là quyết định xơ cứng. Kể cả tôi cũng xin nhận khuyết điểm là đã từng xơ cứng khi nằm trong trường phái bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa. Bây giờ thực tiễn thay đổi rồi. Đất trồng lúa phải chuyển đổi thôi", nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (ảnh) đã có những chia sẻ rất tâm huyết với NNVN khi bàn về vấn đề chuyển đổi đất lúa.

Tư duy xơ cứng một thời

Thưa ông, việc nhìn nhận lại một quan điểm liên quan đến cả chính sách lớn thật không đơn giản. Nguyên nhân nào khiến ông tự thừa nhận “khuyết điểm xơ cứng” của mình?

Không chỉ riêng tôi mà chính xác là tư duy của một thời, một giai đoạn lâu năm. Đó là tư duy lo đói, tư duy người Việt Nam ăn gạo rất nhiều, sợ thiên tai bão lụt… Chính tư duy ấy cho ra đời các Nghị quyết, Nghị định hi sinh lợi ích của người trồng lúa.

Trong thời gian khá dài, tư duy xơ cứng về an ninh lương thực cùng với việc nghiên cứu không đầy đủ và thiếu nhạy bén đối với sự biến động về sản xuất, tiêu dùng và thị trường hàng hóa lúa gạo trên thế giới đã kìm hãm sức sống và sự phát triển bền vững của các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa lớn của nước ta. Thực tiễn bây giờ nếu giữ tư duy ấy thì không ổn nữa. Phải thay đổi, khó thật đấy, nhưng không có cách nào khác.

Thay đổi tư duy tất yếu sẽ thay đổi thực tiễn, nhưng cụ thể chúng ta phải thay đổi như thế nào, thưa ông?

Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận được những mâu thuẫn đang nảy sinh ở hai vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn là ĐBSH và ĐBSCL.

Đạo lý cứng về phát triển bền vững của nông nghiệp là phải đảm bảo thu nhập của nông dân trong đó có nông dân sản xuất lúa ngày càng tăng, để họ có thể tự làm giàu dựa vào nghề trồng lúa của mình. Trong gần ba mươi năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của nước ta đã làm nên kỳ tích giúp cho nhân dân ta có đủ gạo ăn và có dư thừa để xuất khẩu ngày càng nhiều, được xếp thứ hạng nhất nhì thế giới.

Nhưng sản xuất lúa gạo ngày càng tăng thì lợi nhuận của nông dân trồng lúa ngày càng giảm, vì đầu vào giá cả ngày càng cao mà đầu ra rất bấp bênh, xuất khẩu gạo càng nhiều thì lỗ càng lớn.

Doanh thu từ sản xuất lúa gạo trên một diện tích với năng suất xấp xỉ 12 tấn/ha/năm cũng chỉ thu về 60 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận của nông dân khoảng 10 triệu đồng/ha/năm. Lúa gạo là ngành sản xuất hàng hóa lớn nhất nhưng hiệu quả lại ở mức thấp nhất trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam, thua xa lợi nhuận của các ngành sản xuất cà phê, cao su, hồ tiêu, rau, hoa quả…

Trong khi vùng trồng lúa hàng hóa trải rộng trên 4 triệu ha đất nông nghiệp, là vùng đất tốt nhất, bờ xôi ruộng mật, có kết cấu hạ tầng, thủy lợi tốt nhất, cùng với nguồn lực của hàng chục triệu nông dân siêng năng và sáng tạo.

Để bù đắp một phần lợi ích người trồng lúa chúng ta đã bỏ thủy lợi phí, bỏ thuế nông nghiệp, hỗ trợ chút ít về chi phí, mua tạm trữ lúa gạo, tìm kiếm hợp đồng Chính phủ về xuất khẩu lúa gạo... Nhưng nông dân trồng lúa vẫn nghèo, có những nơi phải bỏ ruộng, bỏ làng đi kiếm sống.

Đó là những nghịch lý không thể chối cãi, đang chờ đợi những giải pháp cơ bản mang tính đột phá nhằm tạo động lực mới cho nông dân trồng lúa.

Từ thực tiễn Quảng Đông

Nói thế, chắc ông đã có những trải nghiệm, những bài học, những căn cứ hết sức rõ ràng?

Tất nhiên. Căn cứ rõ ràng nhất là những biến động, tình hình thực tế về sản xuất, tiêu thụ và thị trường hàng hóa lúa gạo trên thế giới. Thực tế, sản xuất lúa gạo trên thế giới vẫn tiếp tục phát triển. Dân số thế giới tăng, từ 6,2 tỷ người năm 2000 lên 7 tỷ người năm 2011, sản xuất lúa gạo cũng tăng tương ứng từ 590 triệu tấn lên 721 triệu tấn.

Chuyển một phần đất cấy lúa sang trồng các loại cây khác là nhu cầu cấp bách

Tôi xin chia sẻ một phép so sánh tình hình sản xuất và tiêu dùng lúa gạo giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, một nơi có điều kiện khí hậu, đất đai, quy mô dân số rất giống với nước ta.

Năm 1980 dân số tỉnh Quảng Đông là 59 triệu người, diện tích gieo trồng lúa 3,7 triệu ha, sản lượng lúa 15 triệu tấn, bình quân 254kg/người. Đến năm 2010, dân số tăng lên 104 triệu người, diện tích gieo trồng giảm xuống còn 2 triệu ha, sản lượng lúa 11 triệu tấn, bình quân 106kg/người. An ninh lương thực vẫn đảm bảo, trong khi diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang mục đích khác gần một nửa.

Trong khi đó ở Việt Nam. Năm 1980 chúng ta có 53,7 triệu người, 5,6 triệu ha gieo trồng lúa, sản lượng lúa 11,65 triệu tấn, bình quân 217kg/người. Đến năm 2010 chúng ta có 86,93 triệu người, diện tích gieo trồng 7,51 triệu ha, sản lượng 33,99 triệu tấn, bình quân 414kg/người.

So sánh số liệu trên đây có thể có phần khập khiễng nhưng cũng gợi cho chúng ta thấy, với quy mô dân số tỉnh Quảng Đông tương tự nước ta thì diện tích gieo trồng lúa từ 3,7 triệu ha năm 1980 giảm xuống còn 2 triệu ha, sản lượng lúa 11 triệu tấn vào năm 2010 vẫn đủ gạo cho nhu cầu 100 triệu dân.

 Dự đoán trong khoảng 10 năm tới mức tiêu thụ lúa gạo để ăn của nước ta khoảng 250kg/người/năm, thì nhu cầu tiêu dùng hàng năm khoảng 25 triệu tấn. Chúng ta chỉ cần 5 triệu ha gieo trồng lúa, 2,5 triệu ha đất lúa là có thể đáp ứng được.

Trong khoảng vài chục năm sau đó mức sống của nhân dân tiếp tục tăng thì nhu cầu sử dụng lúa/đầu người chỉ cần 100kg/năm với số dân tăng lên 130 triệu người cũng chỉ cần 13 triệu tấn/năm.

Vì vậy, diện tích gieo trồng lúa ở nước ta hiện nay là 7,5 triệu ha sẽ giảm dần còn 5 triệu ha, sau đó sẽ tiếp tục tính toán để tiếp tục giảm quy mô diện tích gieo trồng lúa ở mức hợp lý.

Những giải pháp tình thế

Chuyển đổi là xu thế tất yếu, nhưng thực trạng ở các địa phương có quá nhiều vướng mắc liên quan đến Nghị quyết Quốc hội, Nghị định Chính phủ, Luật Đất đai… Với kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết của mình ông có thể chia sẻ một vài giải pháp trong thực tiễn hiện nay?

Việc giảm nhanh diện tích trồng lúa là cần thiết nhưng phải làm từng bước. Trước mắt lúa gạo dư thừa vẫn còn nhiều thì việc tìm thị trường xuất khẩu vẫn phải coi trọng, nhưng phải đảm bảo hiệu quả, nếu giá có lời thỏa đáng thì xuất, nếu không có lời thì không xuất, như vậy sản lượng lúa dư còn hàng triệu tấn sẽ chuyển sang để làm thức ăn chăn nuôi.

Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của nước ta hiện nay khoảng 25 triệu tấn trong đó có khoảng 65% là chất bột tương ứng 16 triệu tấn/năm. Khả năng sản xuất ngô trong nước khoảng 4 triệu tấn/năm, còn 12 triệu tấn chất bột khác là dư địa để chuyển hàng triệu tấn lúa gạo chất lượng thấp sang làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.

Việc chuyển 2 triệu ha gieo trồng lúa sang sản xuất đối tượng khác ngoài lúa được tính toán cẩn trọng, căn cứ vào điều kiện đất đai, khí hậu từng địa phương, đặc biệt là khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Như ngành chăn nuôi bò sữa cũng có thể trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn. Trong 15 năm qua ngành chăn nuôi bò sữa có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành nông nghiệp hàng hóa. Hơn 10 năm trước đây, Việt Nam là nước sản xuất và tiêu dùng sữa thấp nhất trong khu vực, đến nay ta đứng đầu Đông Nam Á.

Năng suất sữa bò năm 2000 chỉ đạt 3,5 tấn, nay tăng lên 4,6 tấn, có nhiều nơi đạt trên 7 tấn/chu kỳ vắt, tương đương mức trung bình khá của thế giới. Các nước đang phát triển trên thế giới đang tiêu thụ sữa đạt mức 60 lít/người/năm.

Trong tương lai với quy mô dân số tăng trên 100 triệu người, nếu nước ta có mức tiêu thụ 60 lít/người/năm thì sản lượng sữa cần 7-8 triệu tấn/năm tương ứng với quy mô tổng đàn bò sữa là 2 triệu con, trong đó có 1 triệu con vắt sữa, cần khá lớn đất để trồng cỏ làm thức ăn xanh.

Ở những nơi có điều kiện chuyển diện tích đang trồng lúa sang trồng cỏ chăn nuôi đảm bảo 1 ha nuôi được ít nhất 10 con bò sữa trong đó có 5 con vắt sữa, năng suất sữa đạt 25 tấn/ha/năm doanh thu 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 10 lần doanh thu từ trồng lúa.

Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng trồng lúa là một quá trình thay đổi cơ bản về tư duy kinh tế, đòi hỏi các cơ chế chính sách mới, khoa học công nghệ mới, kết cấu hạ tầng mới và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao, nhằm tạo ra bước đột phá mới của sản xuất nông nghiệp hàng hóa của nước ta trong tương lai không xa.

Có nghĩa vấn đề mấu chốt vẫn còn vướng ở cơ chế, chính sách?

Trong luật chỉ có đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm gì có đất lúa. Nghị quyết giữ 3,8 triệu ha đất lúa, Nghị định bảo vệ đất lúa có phải luật đâu. Luật mới khó thay đổi chứ Nghị quyết, Nghị định dễ thay đổi thôi, trong tầm của Chính phủ.

Rà soát lại và sửa đi, cứ ngồi lúng túng làm gì. Chúng ta phải thay đổi để định nghĩa lại đất lúa, đất nông nghiệp. Ví dụ, chuyển đổi đất canh tác lúa thành đất nông nghiệp, thành mô hình trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, xây dựng chuồng trại có được không? Có còn là đất nông nghiệp không?

Phải bàn bạc để cuối năm nay thông qua Luật Đất đai, phải giải quyết được những vướng mắc này.

Xin cảm ơn ông!